Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

CÁC SỰ KIỆN NỔI BẬT NAM 2010 CỦA CÁC HÃNG THÔNG TẤN LỚN TRÊN THẾ GIỚI

- Bán đảo Triều Tiên: đọ súng
Tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đắm vào ngày 26-3, 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul cáo buộc CHDCND Triều Tiên là thủ phạm với các bằng chứng là vỏ ngư lôi của Bình Nhưỡng sau một cuộc điều tra của ủy ban bao gồm các chuyên gia của Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Anh, Úc và Thụy Điển. Sự kiện tang tóc này đã mở đầu cho một năm đầy sóng gió trong quan hệ liên Triều, mới nhất là vụ đọ súng ở đảo Yeonpyeong làm hai lính thủy đánh bộ Hàn Quốc thiệt mạng.
Tàu Cheonan được Hàn Quốc trục vớt - Ảnh: AFP
- “Quả bom” Wikileaks 
Lần đầu tiên trang mạng chuyên thu thập và phát tán các tài liệu mật, chủ yếu là từ chính phủ Mỹ, Wikileaks, gây được một cú sốc toàn cầu với việc công bố 90.000 trang tài liệu về hai cuộc chiến Iraq-Afganishtan của Washington. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phát pháo hiệu.
Trong suốt năm 2010, Wikileaks đã trở thành một cái gai trong mắt nhiều chính quyền với việc công bố hàng loạt thông tin bảo mật về các nhận xét của giới ngoại giao Mỹ cũng như những trao đổi giữa Hoa Kỳ với các nước khác trong đó tiết lộ nhiều sự thật choáng váng. Bản thân người sáng lập trang Wikileaks, Julian Assange, một người Úc 39 tuổi, trở thành một hiện tượng toàn cầu, nhất là sau khi ông bị các chính phủ phương Tây truy lùng gắt gao.
Julian Assange đã phải vào tù ra khám vì Wikileaks - Ảnh: Reuters
- Động đất ở Haiti, hơn 230.000 người tử nạn
Trận động đất kinh hoàng 7 độ richter ở thị trấn Leogane, cách thủ đô Port-au-Prine 25 km về phía tây xảy ra ngày 12-1, kèm theo ít nhất 52 đợt dư chấn từ 4,5 độ richter trở lên đã làm khoảng 230.000 người chết, 300.000 người bị thương và 1 triệu người mất nhà cửa. Cả thế giới đã chung sức cứu trợ cho Haiti sau đó.
Cũng trong năm 2010 còn có các thiên tai lớn khác như động đất 8,8 độ richter ở Chile làm gần 500 người thiệt mạng vào tháng 2. Động đất 6,9 độ richter ở Thanh Hải, Trung Quốc làm 1.000 người thiệt mạng vào tháng 4. Lũ lụt trầm trọng tại Pakistan làm 1.600 người thiệt mạng và 20 triệu người bị ảnh hưởng. Động đất và núi lửa phun ở Indonesia làm hơn 600 người chết vào tháng 10.
Dinh tổng thống Haiti tan tành sau trận động đất - Ảnh: Reuters
- Giải cứu thần kỳ 33 thợ mỏ Chile
Ngày 13-10, 33 thợ mỏ bị mắc kẹt sâu dưới lòng đất 700 mét trong suốt 69 ngày sau một vụ nổ mỏ khai thác đồng ở gần thành phố Copiapo đã được giải cứu như một phép màu. Tất cả đều ra khỏi lòng đất lành lặn và khỏe mạnh. Cả thế giới đã nín thở theo dõi vụ giải cứu này, một cuộc trình diễn không thể ấn tượng hơn của chính quyền Chile cũng như của sức mạnh truyền thông toàn cầu.
Người dân Chile chào mừng các thợ mỏ sống sót trở về - Ảnh: theaustralian.com.au
- Giẫm đạp kinh hoàng ở Campuchia
Vụ giẫm đạp kinh hoàng trong lễ hội té nước ngày 22-11 ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia làm 347 người thiệt mạng. Thủ tướng Hun Sen đã gọi sự kiện này là “bi thảm nhất kể từ thời Khmer Đỏ”. Vụ việc xảy ra vào buổi tối, khi quá nhiều người chen chúc tìm cách vượt qua một cây cầu hẹp nối với hòn đảo ở khu vực thủ đô nơi tổ chức các lễ hội.
Cảnh chen lấn kinh hoàng ở Campuchia tối 22-11 - Ảnh: AP
- Tai nạn máy bay, Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski tử nạn
Chiếc máy bay Tu-154 chở ông Kaczynski cùng 95 người khác bị rơi vào ngày 10-4 ở gần thành phố Smolensk, Nga, khiến tất cả những người trên máy bay thiệt mạng. Ngoài tổng thống, Ba Lan còn mất chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, nhiều quan chức cấp phòng cao cấp, thống đốc ngân hàng trung ương quốc gia, thứ trưởng bộ ngoại giao, 12 nghị sĩ và nhiều nhân vật quan trọng khác.
Chuyến bay này đang trên đường từ Warsaw đến tham dự buổi kỷ niệm 70 năm sau cuộc thảm sát Katyn dưới thời Stalin. Quốc tang được tổ chức và cả nước Ba Lan than khóc cho vị tổng thống của họ. Nga đã xử lý khá khéo léo sự kiện này và tránh được những rắc rối ngoại giao không cần thiết.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay khiến Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski thiệt mạng - Ảnh: flightglobal.com
- Làn sóng đỏ ở Bangkok
Cuộc biểu tình của những người áo đỏ phản đối chính phủ tại Bangkok, Thái Lan, đã kéo dài suốt từ tháng 3, và kết thúc ngày 19-5 sau những cuộc trấn áp của các lực lượng vũ trang. Tổng cộng trong hai tháng đã có 91 người thiệt mạng và hơn 2.100 người bị thương. Từ đó đến nay, tình hình Thái Lan đã ổn định hơn, lệnh tình trạng khẩn cấp đã được dỡ bỏ ở nhiều vùng trên đất nước, nhưng những mầm mống bất ổn có lẽ vẫn chưa được loại trừ.
Những người áo đỏ và cảnh sát Thái Lan đụng độ ở Bangkok - Ảnh: smh.com.au
- 110 tỉ euro giải cứu Hy Lạp
Khối các nước sử dụng đồng euro và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhất trí khoản cứu trợ 110 tỉ euro (144 tỉ USD) cho Hy Lạp vào ngày 2-5, trong một năm mà nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải đối phó với những vấn đề tài chính trầm trọng.
Nợ công tăng cao và tỉ lệ thất nghiệp không thể giảm cùng mô hình nhà nước phúc lợi xã hội quá rộng rãi đã đẩy Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ireland đến bờ vực khủng hoảng. Mới nhất, ngày 29-11, EU và IMF lại phải tung ra gói cứu trợ 85 tỉ euro (111 tỉ USD), lần này là cho Ireland.
Vụ giải cứu chỉ là con ngựa thành Troy với Hy Lạp? - Biếm họa của Seekingalpha.com
- Mỹ trục xuất 10 điệp viên Nga 
Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ 10 điệp viên Nga trong một đường dây được cài đặt công phu trên lãnh thổ nước này. Người thứ 11 bị bắt ở Cyprus, nhưng đã biến mất một cách đầy bí ẩn.
Mười điệp viên này, bao gồm nữ điệp viên xinh đẹp Anna Chapman, đã bị Mỹ trục xuất khỏi Nga ngày 9-7 qua đường Vienna để đổi lấy việc bốn người quốc tịch Nga, trong đó có ba người bị Nga kết tội làm gián điệp, được Kremlin thả ra và tất cả đều được đưa sang Mỹ. Cả Nga và Mỹ sau đó tìm cách giảm bớt tầm quan trọng của sự kiện mang màu sắc chiến tranh lạnh này để tránh dẫn đến một thảm họa ngoại giao.
Nữ diễn viên Nga bốc lửa Anna Chapman - Ảnh: englishrussia.com
- Thảm họa tràn dầu lịch sử tại vịnh Mexico
Vụ tràn dầu lịch sử ở nước Mỹ và trên toàn thế giới, bắt đầu từ tháng 4 sau vụ nổ ở dàn khoan Deepwater Horizon ngoài khơi vịnh Mexico, chính thức kết thúc vào tháng 9, sau năm tháng trời nước Mỹ huy động gần như mọi nguồn lực để đối phó với thảm họa môi trường tồi tệ này.
Tính tổng cộng, ước tính 4,9 triệu thùng dầu, tương đương với gần 780 triệu lít dầu, đã đổ ra vịnh Mexico, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên và đời sống người dân trong khu vực. Hãng dầu mỏ Anh BP ước tính đã phải bỏ ra 20 tỉ USD để giải quyết hậu quả và bồi thường cho vụ việc này.
Những chú chim là nạn nhân của vụ tràn dầu kinh hoàng - Ảnh: gulfofmexicooilspillblog.com

                                                                                                                            HẢI MINH tổng hợp