Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ - thượng thọ 107 tuổi

14/12/2010 08:05


Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã 9 lần tiễn con ra trận và 9 lần mẹ khóc thầm lặng lẽ mỗi khi được tin báo con mẹ đã hy sinh, trở thành người mẹ có nhiều con hy sinh nhất trong cả hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trong 30 năm chiến tranh.

Niềm tự hào, vinh dự thật lớn lao của người mẹ đã hiến dâng các con cho Tổ quốc, nhưng nỗi đau thương cũng quá mức tột cùng đối với sự chịu đựng của một người mẹ. Ai ai đến thăm, chăm sóc mẹ đều lặng lẽ nhìn lên trang thờ thẳng hàng 9 bằng “Tổ quốc ghi công” 9 liệt sỹ con mẹ đã hy sinh từ năm 1948 đến 30-4-1975. Không phải để làm thống kê con số đơn thuần, nhưng cũng cần ghi lại đây để chúng ta cùng tri ân nhớ ơn các liệt sỹ, và chia sẻ nỗi nhớ thương của các BMVNAH nói chung, của mẹ Nguyễn Thị Thứ nói riêng.

Đây là 9 liệt sỹ thuộc dòng họ Lê Tự của vợ chồng mẹ đã ghi trong Bằng “Tổ quốc ghi công” mà tôi đã ghi lại theo thứ tự năm tháng các anh đã hy sinh: Anh Lê Tự Xuyến, hy sinh ngày 18-6-1948; anh Lê Tự Hàn (anh) hy sinh ngày 5-10-1948; anh Lê Tự Hàn (em), hy sinh ngày 15-10-1948; anh Lê Tự Lem, hy sinh ngày 1-4-1954; anh Lê Tự Nự, hy sinh ngày 5-9-1966; anh Lê Tự Mười, hy sinh ngày 14-4-1972; anh Lê Tự Trịnh, hy sinh ngày 12-9-1972; anh Lê Tự Thịnh, hy sinh ngày 28-8-1974 và anh Lê Tự Chuyền, hy sinh ngày 30-4-1975.

Ngoài ra mẹ Thứ còn có anh con rể Ngô Tường, hy sinh năm 1957 và cháu ngoại Ngô Thị Cúc, hy sinh năm 1973. Vậy là mẹ có 4 người con hy sinh trong chống Pháp, 7 người con, rể, cháu, hy sinh trong chống Mỹ.

Trong đó có trường hợp trước ngưỡng cửa của ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng - người con trai đầu của mẹ là anh Ba Chuyền (Lê Tự Chuyền) chỉ huy biệt động Sài Gòn đã hy sinh ngay sáng ngày 30-4-1975, trước giờ cờ chiến thắng của ta tung bay trên “Dinh Độc lập” – sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn.

Đời mẹ Thứ có 10 người con, nay chỉ còn người con gái đầu lòng, nên mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của mỗi người con, ngày Tết Nguyên đán, hoặc Ngày kỷ niệm Thương binh – Liệt sỹ, mẹ thường thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để “gọi vong linh” các con về với mẹ.


Sáng ngày 10-12, huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (SN 1904, quê quán xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đã từ trần hồi 1 giờ 40 phút ngày 10-12-2010. thượng thọ 107 tuổi.

Lễ truy điệu Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ bắt đầu lúc 8h ngày 14/12, lễ di quan lúc 9h cùng ngày; an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đến cuối ngày 13/12, đã có hơn 400 đoàn đến từ các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và hàng vạn người dân khắp mọi miền đất nước lặn lội tìm về xóm Rừng (thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để thắp nén nhang tưởng nhớ người mẹ anh hùng - mẹ Thứ. Mẹ ra đi khi đã qua tuổi 106, âu cũng là quy luật của đất trời nhưng sao mọi người vẫn thấy hụt hẫng, chơi vơi…

Trên bàn thờ nghi ngút khói hương, những người đến viếng mẹ không khỏi nhói lòng nhìn tấm chân dung mẹ với vô vàn nếp nhăn khắc khổ, những nỗi đau không thể nào nói hết thành lời. Tiếng kèn, tiếng trống tang bi ai cứ lan tỏa khắp đất trời để tiễn đưa một người mẹ anh hùng về với 12 người con, cháu đã ngã xuống vì Tổ quốc thiêng liêng. Xung quanh vườn nhà mẹ, những cây mít, ổi, đào, vú sữa… cũng đội khăn tang trắng xóa.

Tối 13/12, hàng trăm người có mặt tại lễ tang đã vụng về lau nước mắt khi nghe Chi hội người cao tuổi thôn Thanh Quýt 2 đọc điếu văn tiễn đưa mẹ: “Cuối cùng rồi mẹ cũng ra đi, nhưng chúng con tin rằng mẹ sẽ hóa thân thành một tượng đài xây nên bằng triệu triệu trái tim bất hoại, tồn tại vĩnh hằng như hồn thiêng đất nước Lạc Hồng…”.


Đêm cuối cùng bên linh cửu mẹ Thứ, người con gái đầu lòng của mẹ nay đã 86 tuổi – Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị thổn thức: “Nhiều năm trời tui bị địch cầm tù, tra tấn nên trí nhớ không còn được minh mẫn. Nhưng hình ảnh lam lũ, cần cù, chịu thương, chịu khó của mẹ là tui mãi khắc sâu không bao giờ quên được”.
Trước di ảnh mẹ, dòng người kính cẩn tiếp nối nhau dài đến vô cùng để bày tỏ nỗi lòng thương tiếc và sự biết ơn vô hạn. “Không thể nào cầm được nước mắt mẹ ơi! Lần này trở lại, con chỉ được gặp mẹ khi mẹ đã lặng lẽ chìm vào giấc ngủ thiên thu…” – ông Ngô Độc Lập (Quảng Bình) đã nức nở thốt lên khi vào viếng mẹ.


Trong nhật ký lễ tang, những người đến viếng mẹ đã trải lòng bày tỏ luyến thương, đau nhói tiễn biệt mẹ về với đất, về với 12 người con, người cháu anh hùng.

“Mẹ đã ra đi. Không, mẹ anh hùng bất tử cùng dân tộc Việt Nam” – nhà văn Nguyễn Đức Chữ giãi bày cảm xúc.

Theo Bee.net