Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

Sau Lễ Chào cờ trang trọng, đúng 8h sáng nay (12/1), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI bắt đầu chương trình làm việc. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội.
 
Các đại biểu làm Lễ chào cờ trước giờ khai mạc Đại hội
 
Trong phát biểu mở đầu Đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, Đại hội lần này sẽ thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Quyết định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; Bàn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; Kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa X; Bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và bầu Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI.
Tới dự Đại hội có Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An… Các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, các nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Thủ tướng, các vị lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sỹ trí thức, đại diện tôn giáo.
 
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đại hội

 
Trong phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, những năm qua, nước ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường… Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau và diễn biến phức tạp, không thể xem thường.
 
 
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn khai mạc
 
Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm to lớn trước toàn dân tộc. "Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc để kiểm điểm, đánh giá khách quan những thành tựu và yếu kém, đồng thời rút ra những kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2006 - 2010)", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
 
Chủ tịch nước cho rằng, Đại hội có ý nghĩa trọng đại, động viên toàn dân tiếp  tục công cuộc đổi mới. Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm phát huy cao độ trí tuệ, sự đoàn kết nhất trí tổ chức thành công Đại hội.
 
Sau khi đoàn đại biểu các giới nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Đại hội, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đọc báo cáo chung về các văn kiện Đại hội XI.
 
 
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc báo cáo chung về các văn kiện Đại hội
 
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, bên cạnh những thuận lợi do tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế đem lại, đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế; diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; các hoạt động chống phá, kích động bạo loạn “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra.
 
Nổi bật là nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, các ngành đều có bước phát triển, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ; bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng hơn; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững…
 

Giới truyền thông tác nghiệp tại Đại hội Đảng
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra chưa đạt được. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệp hóa, hiện đại hóa còn chậm; các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý.
Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Những hạn chế yếu kém nói trên có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan: Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức một số vấn đề cụ thể của công cuộc đổi mới còn hạn chế, thiếu thống nhất. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế. Công tác dự báo trong nhiều lĩnh vực còn yếu. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu...
 
Theo Tổng Bí thư, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được xác định là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng ít nhất đạt 35%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao của thế giới; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; lao động qua đào tạo đạt trên 70%; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm. Đến năm 2020, có một số lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; cải thiện chất lượng môi trường; chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng...
Năm năm 2011 - 2015 là bước rất quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Trong 5 năm tới, chúng ta phải phấn đấu thực hiện được các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm: 7 - 7,5%. Năm 2015, GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD; cơ cấu GDP: nông nghiệp 17 - 18%, công nghiệp - xây dựng 41 - 42%, dịch vụ 41 - 42%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào năm 2015. Giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động. Tốc độ tăng dân số đến năm 2015 khoảng 1%. Tuổi thọ trung bình năm 2015 đạt 74 tuổi. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm. Tỉ lệ che phủ rừng năm 2015 đạt 42 - 43%...
Nguồn: Dân Trí