Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Petrotimes - 10 sự kiện nổi bật của thế giới năm 2011

(Petrotimes) - Petrotimes xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc 10 sự kiện nổi bật của thế giới năm 2011 do nhóm phóng viên Quốc tế Petrotimes bình chọn.
1. Mùa xuân Arab

Phong trào "Mùa xuân Arab" được khơi cảm hứng từ hành động tự thiêu của Mohamed Bouazizi – một thanh niên bán rau người Tunisia
Được khơi cảm hứng từ cái chết của Mohamed Bouazizi – một thanh niên bán rau người Tunisia đã tự thiêu để phản đối sự cấm đoán bán rong và sỉ nhục với mình của cảnh sát Tunisia, một làn sóng biểu tình đã lan rộng khắp Tunisia, lật đổ 23 năm cầm quyền của Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali chỉ 10 ngày sau. Từ đây, cuộc biểu tình đã châm ngòi cho phong trào “Mùa xuân Arab” lan khắp Trung Đông và Bắc Phi.
Ngày 25/1, biểu tình ôn hòa bắt đầu ở Ai Cập khi hàng nghìn thanh niên ở quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo biểu tình buộc Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức, chấm dứt 30 năm cầm quyền. Câu chuyện “mùa xuân Arab” còn được viết tiếp ở Libya với cuộc chiến đẫm máu kéo dài 6 tháng và kết thúc bằng cái chết bi thảm của đại tá Moammar Gadhafi cùng một chính phủ lâm thời kế nhiệm. Và ở Syria, Yemen, các cuộc biểu tình vẫn chưa chấm dứt.
“Mùa xuân Arab” sẽ đi về đâu, chưa ai nói trước được nhưng có thể nói thế giới năm 2011 đã thay đổi vì nó.
2. Cái chết của Osama bin Laden


Trùm khủng bố Osama bin Laden
Sau 10 năm, 2 cuộc chiến tranh và hàng trăm ngàn người chết, Osama bin Laden, trùm khủng bố “đạo diễn” thảm kịch 11/9 đã bị người Mỹ tiêu diệt ở Pakistan. Cái chết của trùm khủng bố Bin Laden được coi là “dấu mốc thắng lợi”,  là đòn giáng mạnh vào chủ nghĩa khủng bố quốc tế, có ý nghĩa lớn lao trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động từ năm 2001 và có ảnh hưởng tới định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ sau đó. Tổng thư ký LHQ, Hội đồng Bảo an và nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ và chúc mừng thành công của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố mang tính toàn cầu.
3. Thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản

Một cô gái gào khóc trong hoang tàn đổ nát sau trận động đất gây sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3
Trận động đất 9,0 độ richter ngày 11/3 đã gây ra sóng thần dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản. Thảm họa thiên nhiên này đã làm chết 15.790 người chết, 5.933 người bị thương và 4.056 người mất tích, phá hủy vô số nhà cửa, đường sắt, đường bộ, thậm chí là xóa sạch nhiều vùng dân cư.
Nghiêm trọng hơn, động đất sóng thần còn phá hủy Nhà máy điện hạt nhân Daiichi  (Fukushima) gây ra rò rỉ phóng xạ, làm ô nhiễm môi trường và đẩy Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng hạt nhân trầm trọng. Sự kiện này sau đó đã gây tranh cãi trên toàn thế giới về sự an toàn của loại điện năng này và làm thay đổi bức tranh năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới. Đức đã cam kết ngừng các lò phản ứng hạt nhân của mình vào năm 2020. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Chúng tôi muốn điện năng cho tương lai an toàn hơn, đồng hơn cũng kinh tế và đáng tin cậy hơn”.
4. Khủng hoảng nợ công châu Âu


Khủng hoảng nợ công châu Âu đe dọa đến sự tồn tại của đồng Euro
Bắt đầu từ Hy Lạp, cuộc khủng hoảng nợ công đã lan ra khắp khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), làm khuynh đảo hệ thống tài chính của một loạt nước Eurozone, đe dọa sự tồn tại của đồng Euro và ảnh hưởng đến cả kinh tế toàn cầu. Cơn lốc khủng hoảng đã cuốn trôi nhiều chính khách khỏi vị trí lãnh đạo: Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã phải tuyên bố từ chức thủ tướng vào hôm 9/11; Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi phải ra đi vào ngày 12/11, sau 17 năm thống trị chính trường quốc gia hình chiếc ủng.
5. Cái chết của đại tá Muammar Gaddafi

Cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi được coi là một đòn bẩy về mặt uy tín cho chính quyền lâm thời, giúp nhiều nước phương Tây “thở phào”
Đại tá Muammar Gaddafi lên lãnh đạo Libya kể từ năm 1969 và nắm quyền cai trị lâu thứ 3 trên thế giới trước khi có cuộc nổi loạn đẫm máu năm 2011. Sau cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài nhiều tháng, ngày 20/10, Gaddafi bị lực lượng nổi dậy với sự hỗ trợ của lực lượng NATO sát hại tại quê nhà, thành phố Sirte và hình ảnh về cơ thể đẫm máu của ông được lan tràn trên Internet.
Cái chết của ông được coi là một đòn bẩy về mặt uy tín cho chính quyền lâm thời, giúp nhiều nước phương Tây “thở phào”. Họ từng lo sợ trong bối cảnh chẳng còn gì để mất, Gaddafi sẽ nói ra những bí mật gây bẽ mặt về mối quan hệ giữa ông với nhiều nước lớn ở châu Âu và các công ty dầu lửa cỡ bự như  BP (Anh), ENI (Itali) hay Total (Pháp).
6. Sự ra đi của Chủ tịch CHDCND Triều  Tiên Kim Jong Il

Cố Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il
Chủ tịch CHDCND Triều  Tiên Kim Jong Il đã qua đời ngày 17/12 bởi một cơn đau tim khi đang đi thị sát bên ngoài thủ đô Bình  Nhưỡng. Trước đó, ông Kim Jong Il đã sắp xếp cho người con trai út của mình – Kim Jong Un – kế thừa quyền lực sau khi ông qua đời.
Các nước phương Tây đang hi vọng với sự chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên, chương trình vũ khí hạt nhân và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ có những thay đổi tích cực hơn. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tin về sự ra đi của ông Kim Jong Il, nước láng giềng Hàn Quốc đã đặt quân đội của mình trong tình trạng báo động từ cấp 2 lên cấp 3 với binh lính vùng biên giới giáp Triều Tiên, và đưa mức cảnh báo về tình hình vũ khí Triều Tiên từ cấp 3 lên cấp 4.
7. Nạn đói ở vùng Sừng châu Phi

Hơn 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và hơn nửa triệu người có nguy cơ bị đói ở vùng Sừng châu Phi
Biến đổi khí hậu và thất bại chung của cộng đồng khu vực châu Phi trong việc ngăn chặn cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Somalia chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạn đói nghiêm trọng đang tác động đến cuộc sống của hàng triệu người tại Somalia và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở châu lục đen.
Vào tháng 7, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố nạn đói tại phần lớn khu vực phía Nam Somalia. Nhưng trong khi hơn 10 triệu người vùng Sừng châu Phi đang cần đến sự hỗ trợ về lương thực, 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và hơn nửa triệu người có nguy cơ bị đói, thì lực lượng phiến quân này lại ngăn không cho các chuyến hàng cứu trợ tới đây.
8. Đám cưới Hoàng gia Anh

Đám cưới của Hoàng tử Anh William và cô gái bình dân Kate Middleton ngày 29/4 được 2 tỉ người theo dõi trực tiếp qua truyền hình
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động với những chết chóc, đau thương do con người hoặc thiên nhiên gây ra thì đám cưới của Hoàng tử Anh William và cô gái bình dân Kate Middleton diễn ra vào ngày 29/4 là một hình ảnh đẹp, thu hút được sự quan tâm của cả thế giới. Các hãng truyền thông thế giới như “phát sốt” trước những thông tin về đám cưới hoàng gia này và có đến 2 tỉ người đã theo dõi đám cưới của họ qua truyền hình trực tiếp.
Có nhiều ý kiến cho rằng đám cưới giữa hoàng tử William và Kate Middeton là  cơ hội để hoàng gia Anh và tầng lớp trung lưu xích lại gần nhau hơn. Không như các cặp đôi khác trong cuộc sống hôn nhân, Công tước và nữ công tước của Cambridge được hi vọng sẽ thúc đẩy việc phục hồi hình ảnh và cảm tình với chế độ quân chủ  ở Anh sau những vụ bê bối và tụt hậu.
9. Khủng bố kép ở Na Uy

Hiện trường vụ thảm sát tại đảo Utoya, Na Uy ngày 24/7
Ngày 22/7, thế giới như rùng mình trước tin về vụ nổ lớn tại trụ sở chính phủ Na Uy ở Oslo khiến 8 người chết và gây hư hại nặng cho văn phòng thủ tướng. Tiếp sau đó, ngày 24/7, tại đảo Utoya, lại xảy ra một vụ xả súng tại trại thanh niên của đảng Lao động cầm quyền làm 69 người thiệt mạng. Thủ đô hòa bình của thế giới – Oslo đã phải  trải qua một trong những vụ bộc phát bạo lực đẫm máu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Trong khi một số nhà bình luận nhanh chóng hướng vụ tấn công về phía các nhóm khủng bố Hồi giáo, nhà chức trách rốt cuộc đã chỉ ra một hung thủ duy nhất: Anders Behring Breivik, một kẻ cuồng tín cực hữu 32 tuổi. Breivik, người thừa nhận tội lỗi, đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, đồng nghĩa với việc hắn có thể sẽ được gửi đến một viện tâm thần thay vì phải ngồi tù.
10. Bê bối nghe lén điện thoại ở News of World
News of the Word thuộc News International, một thành phần trong tập đoàn truyền thông khổng lồ do ông trùm Rupert Murdoch thành lập. Báo này có số lượng phát hành 2,8 triệu bản/ngày, nổi tiếng vì khai thác chuyện thâm cung bí sử của các nhân vật nổi tiếng.
Vụ bê bối đã khiến cả nước Anh ngỡ ngàng. Hạ viện Anh đã lập tức tổ chức một cuộc tranh luận bất thường để xả giận.
Trước sự thật bị phơi bày, Rupert Murdoch tuyên bố đóng cửa tờ báo. Tuy nhiên, các chính trị gia cảnh báo hành động này không có nghĩa là sẽ kết thúc mọi chuyện và tất cả chỉ chấm dứt khi các cá nhân có liên quan phải chịu tội trước pháp luật.
Vụ việc đã dấy lên những lo ngại về đạo đức báo chí hiện nay.