Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Mười sự kiện thế giới nổi bật năm 2011

Năm 2011 là năm xảy ra nhiều biến cố làm rung chuyển thế giới, với hàng loạt các vụ thiên tai, làn sóng biểu tình phản đối và các cuộc khủng hoảng đe dọa nhấn chìm kinh tế thế giới.



Khởi đầu là “Mùa xuân Arập” lật đổ các nhà độc tài tham nhũng. Sau thảm họa động đất sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản là cơn bão nợ công ở Châu Âu có nguy cơ đẩy thế giới vào suy thoái. Năm 2011 cũng là năm của “tội ác và trừng phạt”, với việc biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan.

1. Thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân tại Nhật Bản




Thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân ngày 11/3 ở miền đông bắc Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16.000 người. Hơn 12.000 người khác được cho là đã bị mất tích.

Đây là thảm họa tồi tệ nhất ở Nhật Bản kể từ năm 1923, với trận động đất tại Kano khiến hơn 142.000 người thiệt mạng.


Động đất sóng thần cũng gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima chưa từng có ở Nhật Bản (chỉ đứng sau thảm họa Chernobyl) và khiến cho đất nước mặt trời mọc thiệt hại ước tính lên đến 235 tỉ USD, tương đương 4% GDP.


2. Lũ lụt chưa từng có tàn phá Đông Nam Á




Lũ lụt đã tàn phá nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó Thái Lan và Campuchia là hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp các nước Đông Nam Á. Diện tích lúa bị mất trắng là 12,5% ở Thái Lan, 12% ở Campuchia, Lào khoảng 7,5%, 6% ở Philippines và ở Việt Nam khoảng 0,4 %. Nước lũ còn cuốn trôi hoặc hủy hoại nhiều kho lương thực.


Thiên tai lũ lụt kéo dài hơn ba tháng qua ở Thái Lan đã làm 529 người chết, 2 người mất tích, làm 24/77 tỉnh bị ngập lụt; khoảng 2,8 triệu người của 1,1 triệu gia đình bị ảnh hưởng và tổng thiệt hại kinh tế ước trên 40 tỷ USD.


Thiên tai lũ lụt ở Bangkok đã gióng hồi chuông báo động cho việc xây dựng hệ thống phòng chống lũ lụt và thiên tai của các đô thị lớn ở Châu Á. Các nước Châu Á cần đưa chức năng phòng chống lũ lụt vào trong quy hoạch phát triển đô thị.


3. Nạn đói hoành hành ở vùng Sừng châu Phi




Vùng Sừng châu Phi là một trong những khu vực bất ổn triền miên trên thế giới, bị nhiễu loạn bởi vô số các cuộc nổi dậy, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và sự yếu ớt của chính phủ Somalia ở Mogadishu.

Tháng 7/2011, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố nạn đói tại phần lớn khu vực phía nam Somalia.


Có tới 12 triệu người ở vùng Sừng Hàng trăm nghìn người đói ăn ở Somalia đã chạy đến các trại tị nạn ở biên giới Kenya. Các nỗ lực cứu trợ tại miền nam Somalia trở nên phức tạp bởi nhóm al-Shabab, một nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ đến al-Qaeda. Theo một số ước tính, số người chết đói có thể lên đến hàng chục nghìn người.


4. Khủng hoảng nợ ở Eurozone




Cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) hiện đang ở mức báo động đỏ. Cơn lốc khủng hoảng đã cuốn trôi 6 vị thủ tướng (Ireland, Bồ Đào Nha, Slovakia, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha) và đe dọa lật đổ nhiều chính phủ khác trong Eurozone.

Cuộc khủng hoảng này cũng đã khiến Thủ tướng Silvio Berlusconi – một chính khách lão luyện ở Italy – phải từ chức, sau 17 năm thống trị chính trường quốc gia hình chiếc ủng này.


Cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đang chia rẽ Châu Âu một cách sâu rộng và có nguy cơ kéo kinh tế thế giới sa vào vòng xoáy suy thoái mới.


5. Phong trào “Chiếm Wall Street” lan rộng trên thế giới




Các cuộc biểu tình hưởng ứng phong trào "Chiếm Wall Street” (Ocupy Wall Street) nổ ra từ ngày 17/9 ở New York đã lan đến nhiều nước ở Châu Âu, Châu Á, Châu Đại Dương và Mỹ Latinh, với sự tham gia của hàng trăm nghìn người phản đối sự tham lam giới tài phiệt ngân hàng, tình trạng phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng kinh tế hiện nay trên thế giới. Những người biểu tình lên án các ngân hàng phá hoại kinh tế toàn cầu và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.

Không còn bó hẹp trong phạm vi ở thành phố New York, phong trào “Chiếm Wall Street” đã lan rộng khắp nước Mỹ, với những cuộc biểu tình và tuần hành mang khẩu hiệu tương tự "Chiếm Boston", "Chiếm Los Angeles"...


Phong trào này đã “vượt biên” sang các nước Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Châu Âu, Châu Á và Châu Đại Dương. Hàng loạt cuộc tuần hành hưởng ứng phong trào “Chiếm Wall Street” đã diễn ra tại các thành phố lớn ở Italy, Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan (Châu Âu), Hàn Quốc, Nhật Bản (Châu Á), Australia, New Zealand (Châu Đại Dương).


Ngày 15/10, tại thủ đô Rome, các cuộc biểu tình với sự tham gia của khoảng 200 nghìn người đã biến thành bạo loạn. Nhiều ô tô bị đốt cháy, cửa sổ các ngân hàng bị đập vỡ. Khoảng 1.500 cảnh sát được triển khai để bảo đảm an ninh. Xung đột nổ ra giữa người biểu tình với cảnh sát làm ít nhất 70 người bị thương.


6. “Mùa xuân Arập”




Cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Ben Ali ở Tunisia trong tháng 1/2011 đã kích động phong trào “Mùa xuân Arập”, một làn sóng các cuộc biểu tình đòi dân chủ và thay đổi chế độ tại các nước Trung Đông và Bắc Phi.

Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak cũng đã bị lật đổ tháng 2/2011 sau hơn bốn mươi năm “tham quyền cố vị”.


“Mùa xuân Arập” dẫn đến sự sụp đổ của nhiều vị tổng thống thân phương Tây và sự trỗi dậy của các đảng phái Hồi giáo ở Bắc Phi.


7. Sự kiện Libya




Bốn thập kỷ cầm quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi kết thúc với cái chết bi đát của ông ngày 20/10/2011, trong một cuộc chiến đẫm máu “sặc mùi dầu lửa”.

Vào đầu tháng 3/2011, cuộc nổi dậy tại Libya trở thành một cuộc nội chiến toàn diện khi các tay súng không được đào tạo cầm vũ khí chiến đấu với lực lượng của ông Gaddafi. Một số đồng minh và tướng lãnh dưới quyền ông Gaddafi đã đào tẩu để tham gia cuộc nổi dậy.


Với những tin đồn về mối đe dọa diệt chủng nếu quân của ông Gaddafi tiến chiếm thành lũy Benghazi của quân nổi dậy, Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết vào tháng 3, hợp pháp hóa sự can thiệp của nước ngoài. Các chiến dịch của NATO chính thức bắt đầu vào đầu tháng 4 và các máy bay chiến đấu NATO đã trở thành “không quân của phe nổi dậy”.


Chiến cuộc Libya đã khiến cho 20.000-40.000 người Libya đã thiệt mạng. Hàng nghìn tên lửa phòng không vác vai hiện đại có lẽ đã rơi vào tay các phần tử khủng bố và biến cả Bắc Phi thành “vùng cấm bay”.


8. Các vụ cuồng sát ở Châu Âu




Sau vụ đánh bom khủng bố ở sân bay quốc tế Mátxcơva, ngày 22/7, Na Uy trải qua một vụ thảm sát đẫm máu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tại Oslo, một xe bom phát nổ gần các tòa nhà chính phủ, làm thiệt mạng 8 người và gây ra nhiều cột khói bốc lên ở trung tâm thủ đô.

Sự việc càng trở nên kinh hoàng với vụ một tay súng bắn chết 69 người đang tham gia trại hè của giới trẻ do đảng Lao động cầm quyền tổ chức trên đảo Utoeya.


Hung thủ duy nhất của cả hai vụ thảm sát này là Anders Behring Breivik, một kẻ cuồng tín cực hữu 32 tuổi. Breivik đã thừa nhận tội lỗi, nhưng lại được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần và có thể chi bị quản thúc trong một bệnh viện thay vì phải ngồi tù vì những tội ác mà hắn gây ra.


Làn sóng thảm sát đã lan sang Vương quốc Bỉ, với vụ ngày 13/12, gã đàn ông Nordine Amrani dùng lựu đạn và súng trường điên cuồng tấn công vào đám đông những người đang đi mua sắm ở khu chợ Giáng sinh trên quảng trường trung tâm thành phố Liege, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 123 người bị thương.


Nordine Amrani, 33 tuổi, cư dân thành phố Liege vừa mãn hạn tù và từng mắc các tội danh sử dụng súng, ma túy và tấn công tình dục. Tên này cũng đã chết trong vụ tấn công cùng ngày, những không rõ bị chết vì tự tử hay tai nạn.


9. Tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden




Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 1/5/2001 chính thức thông báo Osama bin Laden - thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda - đã bị tiêu diệt.

Mất nhiều năm để truy lùng và thu thập tin tức tình báo, lực lượng đặc nhiệm Mỹ chỉ tốn chưa đầy 40 phút trong đêm 30/4 rạng sáng 1/5 để tiêu diệt Bin Laden.


Mỹ phát hiện bin Laden trong một khu nhà tại thành phố Abbottabad, cách thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng 53 km.


Cái chết của Bin Laden đánh dấu thành quả to lớn nhất trong nỗ lực chống al-Qaeda của nước Mỹ, song chưa thể đặt dấu chấm hết cho hoạt động khủng bố của mạng lưới al-Qaeda.


10. Vấn đề Biển Đông đã được “quốc tế hóa” tại Hội nghị cấp cao Đông Á ở Bali





Tại Hội nghị cấp cao Đông Á ngày 19/11/2011, vấn đề Biển Đông đã lại được “quốc tế hóa”, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Ngoài Tổng thống Mỹ và nhiều nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đề cập vấn đề Biển Đông một cách thẳng thừng trong cuộc gặp người đồng nhiệm Trung Quốc. Còn Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thì thúc đẩy vấn đề bảo đảm “an ninh hàng hải” (ở Biển Đông) trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN.

Trong Hội nghị cấp cao Đông Á kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, có tổng cộng 16/18 vị lãnh đạo (trong đó có Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề cập trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề Biển Đông.

Trên cương vị chủ trì Hội nghị cấp cao Đông Á Bali Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono kết luận các bên “đã bàn thảo về Biển Đông một cách rất xây dựng”.


Vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa cho phép Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei ít chịu áp lực hơn từ phía Trung Quốc vốn chỉ muốn giải quyết vấn đề lãnh hải một cách song phương với từng nước đơn lẻ.